Để đối phó với vấn đề muỗi, một nhóm nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu kiểm soát dịch bệnh do muỗi của Đài Loan nảy ra ý tưởng sử dụng robot, Popular Science hôm 10/6 đưa tin. Phương pháp này từng được thử nghiệm ở các nước khác, nhưng với các robot bay thay vì cỗ máy điều khiển từ xa luồn lách trong ống cống. Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí PLOS Neglected Tropical Diseases, các nhà khoa học triển khai phương tiện không người lái dưới lòng đất để kiểm tra và tiêu diệt ấu trùng muỗi tập trung ở mương rãnh bên dưới thành phố Cao Hùng ở phía nam Đài Loan. Việc loại bỏ vật gây hại trước khi chúng mọc cánh vẫn dễ hơn nhiều do với bắt trong không trung.
Những robot đa dụng này trang bị bộ dụng cụ, camera kỹ thuật số, đèn LED giúp nhà nghiên cứu quan sát môi trường trong cống, phát hiện ấu trùng muỗi ở khu vực có nước tù đọng, sau đó phun thuốc diệt côn trùng ở khu vực đó hoặc xối nước nóng. Robot có bánh xe lăn ở tốc độ 5 m/phút. Chúng được thiết kế để ngăn đổ lật ở những chỗ khó dựng lại. Mục tiêu của robot là muỗi thuộc chi Aedes, bao gồm vài loài thường truyền bệnh nhiệt đới.
Để khảo sát hoạt động của muỗi trong mương rãnh, các nhà khoa học cũng đặt hàng loạt bẫy Gravitraps dùng để nhử và bắt muỗi cái. Họ phân tích mẫu vật để xem xét muỗi dương tính với sốt xuất huyết thường bay đi đâu. Ở nhiều mương rãnh, nơi có mật độ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết cao, sau khi triển khai robot, tỷ lệ nhiễm sốt xuất huyết giảm đi, chứng tỏ robot là công cụ hữu ích để kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh. Với cảm biến tốt hơn, công nghệ AI và chức năng tự động, chúng có thể trở nên hiệu quả hơn nữa.
Muỗi là một vấn đề lớn ở các đô thị do mang virus gây bệnh như sốt xuất huyết và Zika. Do chưa có vaccine phòng sốt xuất huyết, chuyên gia y tế công cộng phải tập trung vào kiểm soát số lượng muỗi. Khi thành phố trở nên lớn hơn, muỗi thường chui xuống cống để sinh sản nên rất khó theo dõi.
An Khang (Theo Popular Science)